Sau 40 ngày xử lý cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư nhân, nam thanh niên đến viện khám mới phát hiện bị xoắn tinh hoàn, nhưng may mắn vẫn bảo tồn được.
Thông tin từ Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một nam thanh niên 17 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau vùng kín nhiều ngày. Theo chia sẻ từ người thân, trước đó 40 ngày, do có hiện tượng đau “cậu nhỏ” nên nam thanh niên đã được đưa đến một phòng khám tư, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm mào tinh, dài da bao quy đầu và có chỉ định cắt bao quy đầu.
Tuy nhiên sau đó tình trạng vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Đức để thăm khám. Kết quả khám lâm sàng cho thấy tinh hoàn bên phải có mật độ chắc, tinh hoàn trái bình thường. Siêu âm doppler phát hiện tinh hoàn phải có xoắn không điển hình, xoay trục giảm tưới máu nhu mô tinh hoàn, có nang lớn mào tinh hoàn bên phải (cùng bên đau). Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Khánh (Trung tâm Nam học) cho biết, khi phẫu thuật phát hiện tinh hoàn bên phải của bệnh nhân xoắn nửa vòng, nang mào tinh hoàn kích thước 3x4cm. Đến nay tình trạng bệnh nhân ổn định, tinh hoàn lưu thông máu tốt, giảm đau và tiếp tục được theo dõi, nhất là chức năng sinh sản.
Bác sĩ Khánh đang thăm khám cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Khánh cho biết, xoắn tinh hoàn là cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Việc phẫu thuật cấp cứu cần được thực hiện sớm, đặc biệt trong 6 giờ đầu từ khi có dấu hiệu đau. Với trường hợp trên, may mắn là bị xoắn nửa vòng nên chỉ thiếu máu một phần, đó là lý do dù có triệu chứng đau 40 ngày nhưng vẫn giữ lại được tinh hoàn.
Các chuyên gia cho biết, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh thường khởi phát khi ngủ, lúc hoạt động gắng sức hay khi thời tiết trở lạnh dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt. Một số yếu tố nguy cơ của xoắn tinh hoàn đã được đề cập trong y văn như: tuổi trước hoặc trong dậy thì, di truyền, tinh hoàn hình con lắc chuông, thừng tinh dài…
Khi bị xoắn tinh hoàn, người bệnh thường có dấu hiệu sau:
– Đau: Một cơn đau xuất hiện đột ngột ở tinh hoàn là một dấu hiệu quan trọng của xoắn tinh hoàn. Đau có thể xuất hiện một cách bất ngờ, tăng dần theo thời gian và có thể lan ra vùng bụng dưới.
– Sưng và đỏ: Tinh hoàn bị xoắn có thể trở nên sưng và màu đỏ hoặc tím. Sưng tinh hoàn càng ngày càng tăng là dấu hiệu cho thấy lưu thông máu đến tinh hoàn bị gián đoạn.
– Buồn nôn và nôn mửa: Một số người bệnh có thể gặp các cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa khi tinh hoàn xoắn.
– Tinh hoàn nằm bị kéo cao trong bìu: Trong trường hợp xoắn tinh hoàn, tinh hoàn có thể di chuyển và nằm ở vị trí không bình thường.
Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp đau bìu không rõ nguyên nhân, hoặc có những dấu hiệu trên cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám để được can thiệp kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.