Xơ gan là một bệnh lý gan mạn tính nguy hiểm và tỷ lệ người mắc bệnh xơ gan trẻ hoá trong những năm gần đây có xu hướng ngày càng tăng. Hãy cùng tìm hiểu kiến thức về bệnh để bảo vệ sức khỏe ngay.
Bệnh xơ gan là gì?
Gan là nội tạng lớn nhất trong cơ thể và có trọng lượng khoảng 1,2 – 1,3 kg. Gan nằm ở vị trí bên phải ổ bụng, dưới lồng ngực và giáp với nhiều bộ phận khác của cơ thể. Gan được cấu tạo bởi 3 thành phần chính: các bao gan, nhu mô gan, các mạch máu và ống dẫn mật trong gan. Gan đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Xơ gan là giai đoạn cuối của tình trạng xơ hóa hay tạo sẹo ở gan gây nên do nhiều bệnh lý mạn tính khác như viêm gan cấp tính, mãn tính, viêm gan do nhiễm độc từ thuốc hoặc viêm gan nhiễm mỡ. Thông thường sau mỗi lần bị tổn thương gan sẽ tự tái tạo tế bào gan mới, tuy nhiên quá trình tổn thương gan mãn tính dẫn tới hình thành các mô sẹo ở gan, lâu dài các mô sẹo ngày càng nhiều hơn và cản trở chức năng gan.
Bệnh xơ gan có thể gây tổn thương gan không phục hồi, làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
Nhận biết dấu hiệu bệnh xơ gan
Triệu chứng xơ gan theo từng giai đoạn
Dựa vào mức độ tiến triển của bệnh, xơ gan được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (xơ gan còn bù)
Giai đoạn này tình trạng gan đã bị viêm nhưng những tổn thương tế bào gan vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến các chức năng quan trọng của gan. Gan làm việc bù trừ và tự cố chữa lành những tế bào gan điều này dẫn đến hình thành xơ hóa ban đầu.
Một số triệu chứng mà người bệnh xơ gan giai đoạn 1 có thể gặp như người mệt mỏi, thiếu năng lượng, sốt nhẹ, thỉnh thoảng thấy đau ở hạ sườn, nước tiểu đậm màu hơn bình thường,…Dấu hiệu xơ gan ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiêu hoá, cảm cúm.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này áp lực tĩnh mạch cửa đang tăng dần và các mô xơ hóa xuất hiện nhiều hơn.
Các dấu hiệu bệnh ở giai đoạn 2 bắt đầu rõ ràng và dễ nhận biết hơn, xuất hiện thường xuyên hơn những triệu chứng như mệt mỏi, hay bị đầy hơi khó chịu, cảm giác đau ở hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt (nhưng chưa rõ ràng), tình trạng bị chảy máu mũi và chảy máu chân răng xuất hiện.
Người bệnh xơ gan giai đoạn 2 vẫn duy trì được chất lượng cuộc sống nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời để ngăn chặn tiến trình tổn thương gan tiếp tục.
Giai đoạn 3 (xơ gan mất bù)
Giai đoạn này, gan của người bệnh bây giờ đã có những tổn thương khá nghiêm trọng, chuyển thành xơ gan cổ trướng. Lượng dịch tại ổ bụng tăng nhanh khiến bệnh nhân khó thở.
Trong giai đoạn 3, bệnh nhân có rất nhiều dấu hiệu rõ ràng để nhận biết như ăn không ngon, sụt cân không kiểm soát, mệt mỏi, da vàng, vàng mắt, nhợt nhạt, ngứa da, nổi mẩn, trướng bụng, nôn ra máu, phù chân, sưng mắt cá, thậm chí phù nề toàn thân.
Giai đoạn này gan không thể phục hồi và chức năng gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh thường được đề xuất ghép gan để chữa khỏi bệnh.
Giai đoạn cuối
Giai đoạn 4, phần lớn nhu mô gan đã bị xơ hóa hoàn toàn, các hoạt động của gan cũng bị đình trệ và ảnh hưởng nhiều hệ cơ quan khác như thận, lách, não, tim mạch. Người bệnh có các vấn đề nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan, suy thận, suy hô hấp, suy tim.
Tỷ lệ tử vong hoặc tỷ lệ xuất hiện ung thư gan tăng cao ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối.
Nguyên nhân mắc bệnh xơ gan
Những năm trở lại đây, tỷ lệ người mắc các bệnh về gan nói chung và xơ gan nói riêng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng. Các nguyên nhân chính gây bệnh xơ gan.
Xơ gan do lạm dụng rượu bia: Rượu bia là nguyên nhân phổ biến dẫn tới xơ gan, uống nhiều rượu bia trong thời gian dài khiến suy giảm chức năng giải độc của gan và tế bào gan bị tổn thương. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ bia rượu hàng đầu, do đó tình trạng mắc bệnh gan, xơ gan ở Việt Nam ngày càng tăng.
Lạm dụng rượu bia dẫn đến nguy cơ mắc xơ gan
Xơ gan do nhiễm vi rút viêm gan: Viêm gan do vi rút có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí ung thư gan. Đặc biệt là viêm gan do vi rút B, C chiếm tỷ lệ rất cao, nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan tại Việt Nam.
Một số nguyên nhân khác gây xơ gan:
- Viêm gan tự miễn;
- Viêm gan nhiễm mỡ không phải do rượu bia;
- Ký sinh trùng gây xơ gan;
- Lạm dụng một số thuốc điều trị;
- Xơ gan do mắc bệnh di truyền.
Nhóm đối tượng nguy cơ cao xơ gan
Xơ gan có thể gặp ở tất cả đối tượng nam và nữ, trong đó các đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Nghiện rượu bia;
- Nhiễm virus viêm gan B, C;
- Mắc bệnh tiểu đường;
- Thừa cân, béo phì;
- Viêm gan nhiễm mỡ.
Phương pháp điều trị và phòng bệnh xơ gan
Sau khi được chẩn đoán, thực hiện các xét nghiệm liên quan và xác định mắc bệnh xơ gan, phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cho người bệnh.
Xơ gan giai đoạn 1 và 2, áp dụng phương pháp điều trị loại bỏ nguyên nhân xơ gan. Dựa trên nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho người bệnh: cai rượu, giảm cân và kiểm soát cân nặng, điều trị viêm gan virus.
Xơ gan giai đoạn 3 và 4, trường hợp xơ gan đã phát triển các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị theo triệu chứng tùy vào loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng.
Trường hợp xơ gan tiến triển và chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, phẫu thuật ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất và tối ưu đối với người bệnh. Đây là việc thay thế lá gan hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.
Bệnh xơ gan nguy hiểm và khó điều trị khỏi, tuy nhiên bạn có thể làm giảm nguy cơ và chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể thao, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, sử dụng thuốc điều trị bệnh dưới hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ sẽ giúp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh xơ gan. Ngoài ra, mọi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Phương pháp điều trị bệnh đái thường đường và cách phòng ngừa
- Tìm hiểu mối liên quan giữa hệ thần kinh thực vật và tăng huyết áp
- Huyết áp cao là bao nhiêu? Những điều cần lưu ý đối với bệnh nhân tăng huyết áp