Bệnh tim thiếu máu cục bộ đang trở thành mối đe dọa âm thầm cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người trưởng thành. Nỗi ám ảnh về những cơn đau thắt ngực dữ dội, nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong luôn khiến nhiều người lo lắng.
Sự phổ biến của bệnh tim và vai trò quan trọng của nó trong sức khỏe
“Trái tim” đóng một vai trò không thể phủ nhận trong cơ thể. Nó là bộ phận chính tham gia vào việc cung cấp máu và oxy cho các cơ quan khác, được ví như “một nhà máy điện” duy trì sự sống. Trước đây, người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên mới thường mắc bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp… Tuy nhiên, ngày nay, có người ở độ tuổi 30-40, thậm chí dưới 30 cũng mắc bệnh tim mạch. Khoảng 25% người trưởng thành ở Việt Nam mắc bệnh tim mạch, và có xu hướng trẻ hóa.
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay còn được gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến tim giảm, dẫn đến việc tim không nhận đủ oxy. Điều này thường xảy ra do tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch tim (động mạch vành).
- Bệnh làm giảm khả năng bơm máu của cơ tim, có thể dẫn đến những cơn đau tim hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, suy tim và gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Tác động của lo lắng đối với sức khỏe và quản lý bệnh
Lo lắng được biết đến là một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim.
- Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí trực tuyến BMJ Open về mối liên quan giữa lo lắng sức khỏe và bệnh tim. Trong thời gian theo dõi, số người có lo âu về sức khỏe bị phát triển bệnh tim mạch nhiều gấp đôi so với những người không lo lắng. Khoảng 6,1% số ca bệnh lo âu về sức khỏe phát triển bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD), so với 3% ở những người không lo lắng. Sau khi hiệu chỉnh về các yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá, cholesterol cao, và học vấn đã xác định, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ phát triển IHD ở các trường hợp lo âu về sức khỏe tăng 73%.
- Các triệu chứng lo âu về sức khỏe càng mạnh thì nguy cơ IHD càng cao.
Về giới tính, nguy cơ IHD tăng rất nhẹ ở phụ nữ lo lắng về sức khỏe hơn so với ở nam giới.
Phương pháp giảm bớt lo lắng và quản lý bệnh tốt hơn
Đặc trưng ở những người lo lắng về sức khỏe là thường xuyên theo dõi và kiểm tra các triệu chứng quá mức. Cần nói rõ cho một bệnh nhân đang lo lắng rằng sự lo lắng của họ không những không giúp ích mà còn gây ra bệnh tim theo thời gian.
“Hãy tin tưởng vào trái tim”, thực hiện tốt theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để có thể giảm rủi ro, cải thiện được sức khỏe, phòng các biến chứng và kéo dài tuổi thọ.
Thay đổi lối sống là phương pháp tốt nhất giảm bớt lo lắng cũng như ảnh hưởng của lo lắng đến bệnh tim, ngăn ngừa và cải thiện bệnh động mạch vành phát triển và làm giảm thiểu tình trạng thiếu máu cơ tim mạn tính.
Thiết lập chế độ ăn lành mạnh:
- Nên ăn nhiều rau củ quả để giảm hấp thu cholesterol.
- Giảm chất bột đường để không tăng đường máu, mỡ máu.
- Giảm ăn mặn.
- Tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa có trong thịt đỏ, nội tạng, da và mỡ động vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào…
- Sử dụng chất béo có lợi từ dầu thực vật (dầu oliu, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu vừng,…), từ cá…
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, chè, cà phê…
Tránh căng thẳng, lo âu: Cách giảm căng thẳng, stress dễ dàng nhất là tập thiền, Yoga, tập hít sâu thở chậm.
Tập thể dục thường xuyên: giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm cholesterol hiệu quả, thúc đẩy hệ tuần hoàn phát triển
Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tránh dư cân, béo phì.
Kiểm soát tốt các bệnh khác như đái tháo đường, cholesterol cao hoặc bệnh huyết áp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ khác.
Khi nào cần tới các cơ sở y tế?
Một số người mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Ở đa số bệnh nhân khác, triệu chứng đặc trưng là đau tức ngực trái. Triệu chứng khác như: nặng ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi,… Khi có các dấu hiệu trên và đặc biệt các cơn đau xuất hiện đột ngột, kéo dài, lặp lại nhiều lần thì cần tới ngay cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra.
Như vậy, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là một trong những bệnh tim mạch gây tử vong hàng đầu. Việc giữ tinh thần thoải mái, tránh stress đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và các bệnh lý khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.