Thủy đậu là bệnh lý có khả năng lây nhiễm cấp tính. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả là biện pháp cần thực hiện ngay để bảo vệ sức khỏe của cả hai mẹ con.
Dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai
Thủy đậu hay gọi là bệnh phỏng rạ (ở miền Bắc), bệnh trái rạ (ở miền Nam), là bệnh lây nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lý này có thể xảy ra với mọi độ tuổi, thường gặp nhất vào mùa đông xuân. Virus gây bệnh thủy đậu có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu, đến khi vảy bong ra thì nó tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu hoặc dịch tiết mũi họng.
Dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai:
- Người bệnh nhức đầu, mệt mỏi hoặc có sốt nhẹ.
- Người bệnh có thể đau họng, sổ mũi.
- Trên bề mặt da của thai phụ có các nốt màu đỏ. Các nốt này ban đầu xuất hiện ở vùng ngực, lưng, sau đó lan lên đầu, mắt và toàn bộ cơ thể thai phụ. Các nốt đỏ này gây ra cảm giác ngứa ngáy cho thai phụ.
- Sau khi nổi mụn đỏ trên da khoảng vài giờ thì nó sẽ phỏng lên thành các mụn nước, bên trong có thể chứa nước vàng. Khoảng một ngày sau đó, nước vàng bên trong sẽ trở thành màu đục.
- Trường hợp nốt mụn bị vỡ ra sẽ đóng thành vảy.
- Đối với trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt mụn nước sẽ sưng to, có mủ và rất ngứa rát. Nếu gãi sẽ rất dễ bị trầy da và để lại sẹo sâu.
- Những trường hợp nặng, nốt thủy đậu mọc dày chi chít, mọc cả ở niêm mạc miệng, kết mạc mắt rồi vỡ ngay. Bệnh nhân có thể sốt cao từ 39 – 400C, có trường hợp còn trằn trọc, mê sảng, nốt phỏng còn dày hơn có khi có máu.
Yếu tố nguy cơ gây ra thủy đậu ở phụ nữ mang thai
Mẹ bầu nên nắm rõ nguyên nhân và biểu hiện của bệnh thủy đậu để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi. Cụ thể, nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai chủ yếu là do:
- Hệ miễn dịch suy giảm: Để phôi thai phát triển, một số tế bào miễn dịch sẽ xâm nhập vào lớp niêm mạc tử cung. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm. Môi trường chống viêm sẽ diễn ra trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Vì thế hệ miễn dịch bà bầu 3 tháng đầu suy giảm.
- Tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu: Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp. Nếu tiếp xúc gần, tiếp xúc đối diện, ở cùng phòng… với bệnh nhân thì mẹ bầu có thể sẽ bị lây bệnh.
Bên cạnh đó, thủy đậu có thời gian ủ bệnh dài khoảng 10-21 ngày và không triệu chứng nên mẹ bầu càng dễ lây bệnh hơn.
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa thủy đậu đơn giản và hiệu quả nhất. Phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên tiêm phòng vắc xin, tốt nhất là trước khi mang thai 3 tháng. Không chỉ định tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu khi đang mang thai.
Nếu chưa thể chích ngừa mà đã có thai, nhất là trong 12 tuần đầu của thai kỳ, thai phụ cần lưu ý những biện pháp phòng bệnh sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh thủy đậu để phòng tránh lây lan.
- Thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý và sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng.
- Thường xuyên vệ sinh nhà ở, các vật dụng sinh hoạt bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, không nên đến chỗ đông người, những nơi có dịch hoặc có người bệnh thủy đậu để tránh lây nhiễm và nhớ mang khẩu trang khi ra đường.
- Nếu tiếp xúc với người mắc bệnh, cần báo cho bác sĩ ngay để được điều trị bằng thuốc có kháng thể thủy đậu. Chú ý rằng nên thực hiện việc này trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.