Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, hiện chưa có bất kì loại sữa nào thay thế được sữa mẹ.Nếu mẹ đủ sữa, tốt nhất cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mà không cần phải cho bú thêm bất kì loại sữa nào khác.
Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, lúc này sữa sẽ không đủ cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, từ tuổi này bắt đầu cho trẻ ăn dặm.
Khi nào thì cai sữa cho trẻ?
Khi trẻ đã ăn dặm thì vẫn tiếp tục cho bú sữa mẹ và sữa công thức. Một câu hỏi đặt ra là đến khi nào thì cai sữa? Không có một mốc thời gian nhất định để cai sữa cho trẻ, nhưng tối thiểu phải cho bé bú cho đến khi đủ 12 tháng tuổi, tốt nhất kéo dài đến 24 tháng tuổi, thậm chí lâu hơn nữa nếu có thể.
Không nên cai sữa khi bé đang bị ốm, ăn uống kém, những bé nhẹ cân, còi xương, suy dinh dưỡng…. Chỉ cai sữa khi trẻ đang khỏe mạnh, đã sẵn sàng ăn dặm.
Một số trường hợp bắt buộc phải cai sữa cho trẻ, như mẹ bị ốm, viêm quanh núm vú, mẹ mắc bệnh truyền nhiễm có thể lây bệnh và gây nguy hiểm cho con, mẹ bắt buộc phải dùng thuốc để điều trị bệnh mà thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ và trẻ….
Đặc điểm phát triển của trẻ ở giai đoạn sau cai sữa
Tuổi cai sữa của trẻ thường ở khoảng 12 – 36 tháng, đây là giai đoạn có sự phát triển rất mạnh về thể chất, tinh thần và trí não của trẻ.
Về thể chất, nếu được chăm sóc tốt, khi đủ 12 tháng ruổi bé có thể đạt chiều cao khoảng 75cm, cân nặng 9kg. Từ năm thứ 2 trở đi, trẻ phát triển chậm hơn, nhưng vẫn thuộc giai đoạn phát triển nhanh. Khi đủ 36 tháng có thể đạt chiều cao khoảng 95cm và cân nặng 14kg.
Sự tương tác của trẻ với người thân và môi trường có sự phát triển rõ rệt. Bé có thể vui cười, lo lắng, biệt sợ hãi khi gặp người lạ, bắt đầu hiểu và giao tiếp với người lớn, như đòi ăn, làm theo động tác người khác,… Quá trình nhận thức dần phát triển, biết ghi nhớ các con vật, phân biệt các loại màu sắc, biết thực hiện các trò chơi, thậm chí còn biết cả múa hát.
Ngôn ngữ cũng dần hình thành ở trẻ, đến khoảng 14 tháng trẻ đã có thể nói được những câu đơn giản, như mẹ, bà,… Vốn từ tiếp tục tăng lên, trẻnói được nhiều từ hơn, biết nói những câu dài và khó. Khi đủ 36 tháng, trẻ nói rõ, biết nghe lời, biết đưa ra các yêu cầu, biết đòi hỏi những thứ mình thích,…
Về vận động, cũng có sự phát triển vượt bậc, nhiều trẻ đã có thể đi đứng được khi đủ 12 tháng, đi men hoặc đẩy xe tập đi, quá trình tập đi của trẻ tiếp tục hoàn thiện. Sau 24 tháng tuổi, trẻ có thể chạy nhanh, nhảy múa, lắc lư, có thể phối hợp cả tay, chân và mắt, nhiều trẻ có thể đạp xe, chơi bóng,…
Những bệnh ở trẻ thường gặp sau cai sữa
Có sự phát triển vượt bậc ở trẻ về thể chất và trí não, nhưng giai đoạn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Các bệnh phổ biến có thể mắc là:
– Rối loạn tiêu hóa:
Sau cai sữa rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, nguyên nhân do nhiễm khuẩn từ thức ăn, nước uống, đồ chơi, môi trường xung quanh,… Các biểu hiện thường thấy như tiêu chảy cấp, táo bón, nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu,…
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Giai đoạn sau cai sữa, trẻ phát triển nhanh, hiếu động, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, đây chính là lí do khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amydal, viêm phế quản,…
– Còi xương suy – dinh dưỡng:
Nhiều trẻ sau cai sữa rơi vào tình trạng biếng ăn, là nguyên nhân gây chậm lớn, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao,… có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, không đạt đến chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành.
Những trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, cũng lại là nguyên nhân dễ bị nhiễm khuẩn. Hình thành một vòng xoắn bệnh lí: còi xương, suy dinh dưỡngà sức đề kháng giảm à nhiễm khuẩn à còi xương, suy dinh dưỡng.
Phòng bệnh ở trẻ sau cai sữa
Giai đoạn sau cai sữa là giai đoạn phát triển quan trọng, trẻ vô cùng hiếu động để khám phá thế giới, hoàn thiện dần các chức năng. Các biện pháp dự phòng để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ:
– Nuôi con bằng sữa mẹ: sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, sữa mẹ chứa chất xơ hòa tan, giúp dễ tiêu hóa, tăng nhu động ruột, đây là lí do giải thích vì sao trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn rất ít khi bị táo bón. Ngoài ra, sữa non còn chứa các kháng thể từ người mẹ, giúp bảo vệ trẻ chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn trong những ngày đầu đời, khi mà hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Nếu mẹ đủ sữa, tốt nhất cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mà không cần phải cho thêm bất kì loại sữa nào khác, thậm chí không cần phải uống thêm nước. Nếu mẹ không đủ sữa hoặc mất sữa thì phải cho bú sữa công thức, lựa chọn loại sữa nào cũng được, miễn là phù hợp với độ tuổi và phù hợp với bé.
– Vệ sinh môi trường: Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh tay, chân, đồ chơi của trẻ,…. Lưu ý là rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Chế độ ăn phù hợp:Cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối theo lứa tuổi, thức ăn cho trẻ phải có đủ rau xanh, củ quả, trái cây, vitamin và các dưỡng chất cần thiết.
– Điều trị sớm các bệnh lí mắc phải: Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, như nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc tiêu hóa, thì phải đưa đi khám và điều trị sớm, tránh bệnh nặng làm hảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
– Điều trị tăng sức đề kháng: Giai đoạn sau cai sữa, các chức năng trong cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch cũng chưa phát triển đầy đủ. Để giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường phát triển, cần bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết, cung cấp các thành phần giúp tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.
Nguồn: Sức khỏe đời sống