Bước sang tháng thứ 3, bé yêu của bạn bắt đầu thể hiện nhiều hành động linh hoạt hơn. Nhiều cha mẹ thường thắc mắc rằng bé 3 tháng tuổi biết làm gì? Trong bài viết này, Pharmacity sẽ chia sẻ các mốc phát triển của bé 3 tháng tuổi và cách chăm sóc bé yêu hiệu quả nhất.
Sự tăng trưởng của trẻ 3 tháng tuổi
Trẻ 3 tháng tuổi thường có cân nặng tăng gần gấp đôi so với lúc mới sinh, khiến ba mẹ cảm nhận con lớn rất nhanh và quần áo nhanh chóng trở nên chật.
Tuy nhiên, cân nặng của mỗi bé có thể khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm riêng. Dưới đây là chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ 3 tháng tuổi theo giới tính:
Cân nặng | Chiều cao | |
Bé gái | 5,9 kg | 59,8 cm |
Bé trai | 6,4 kg | 61,4 cm |
Bé 3 tháng tuổi biết làm gì?
Hãy cùng khám phá những cột mốc phát triển quan trọng của bé 3 tháng tuổi dưới đây.
Sự phát triển về thể chất và vận động
Ở tháng thứ 3, các cơ bắp của trẻ đã bắt đầu tương đối cứng cáp, đặc biệt là cơ cổ. Điều này thể hiện rõ qua việc đầu của bé đã giữ ổn định hơn và không còn lắc lư như trước.
Khi nằm sấp bé có thể tự nâng đầu lên cao một góc 45 độ hoặc dùng lực của tay để đẩy người lên cao. Một số bé trong giai đoạn này còn có thể tự chuyển từ tư thế nằm ngửa sang sấp.
Trẻ 3 tháng tuổi đã bắt đầu có phản ứng rõ rệt với âm thanh xung quanh. Chẳng hạn như việc thay đổi tư thế để hướng về phía âm thanh như tiếng nhạc hay tiếng nói của người lớn.
Vào thời điểm này, trẻ đã dễ dàng hơn trong việc quan sát các đồ vật ở khoảng cách từ 20cm – 40cm. Đặc biệt, bé bắt đầu biết nhìn theo các đồ vật chuyển động và biết chú ý đến các vật thể có màu sắc sặc sỡ.
Bé ở độ tuổi này đã có thể sử dụng tay để nắm lấy các vật trong tầm mắt. Khi bé nhìn thấy các đồ vật xung quanh, bé thường thể hiện mong muốn nắm lấy chúng, đó là lý do tại sao các bậc phụ huynh thường thấy bé nắm tóc và kéo áo của mình.
Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể nâng đầu lên cao khi nằm sấp
Mốc phát triển về nhận thức
Ở tháng thứ 3, trẻ sơ sinh đã phát triển khả năng ghi nhớ và nhận biết sự khác nhau giữa các khuôn mặt. Khi nhìn thấy bố mẹ hay những người thân quen, bé thường mỉm cười và có thể tương tác bằng cách phát ra các âm thanh như “ê a”.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người lạ có khuôn mặt không quen thuộc, bé có thể phản ứng bằng cách bật khóc và sợ hãi. Hành động này cho thấy bé đã bắt đầu biết phân biệt và có những phản ứng khác nhau đối với môi trường xung quanh.
Sự phát triển về mặt cảm xúc và ngôn ngữ
Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể diễn đạt cảm xúc của mình qua biểu hiện trên khuôn mặt. Khi nhìn thấy đồ vật yêu thích hoặc thấy người thân tương tác, bé thường cảm thấy phấn khích và vui vẻ.
Ngoài ra, ở giai đoạn này khả năng giao tiếp của trẻ cũng đã phát triển đáng kể như:
- Trẻ biết hóng chuyện và chăm chú khi nghe người lớn trò chuyện.
- Cười sặc sụa khi người thân chơi đùa cùng mình.
- Bé cũng có thể mếu máo hoặc khóc to để đòi mẹ, khi đói hoặc khi bé cảm thấy khó chịu.
- Bé biết giao tiếp bằng cách phát ra âm thanh như cười thành tiếng hoặc khua tay chân liên tục.
Bí quyết chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi khoẻ mạnh
Để chăm sóc bé 3 tháng tuổi phát triển khỏe mạnh, có một số bí quyết sau đây mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Duy trì lượng sữa cho bé bú: Bên cạnh việc tập cho trẻ làm quen với việc ăn dặm, mẹ vẫn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Sử dụng đồ chơi bắt mắt: Đặt một món đồ bắt mắt trước mặt bé để khuyến khích bé quan sát sự chuyển động của đồ vật, giúp phát triển thị giác của bé.
- Thường xuyên tương tác với con: Mẹ hãy thường xuyên trò chuyện và vui chơi cùng con để tạo sự gắn kết đồng thời phát triển khả năng giao tiếp của bé.
- Hỗ trợ bé ngồi: Hỗ trợ phần đầu của bé bằng cách đặt bé ngồi vào lòng bạn, lưng bé dựa vào đùi để giúp vùng lưng và cổ bé được nâng đỡ tốt hơn.
- Khuyến khích bé lấy đồ vật: Đặt bé nằm sấp và đặt đồ chơi xung quanh để khuyến khích bé đưa tay ra để chạm lấy đồ vật mình thích.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ thời gian: Trẻ 3 tháng tuổi cần ngủ khoảng 14 – 15 giờ mỗi ngày. Đảm bảo bé có môi trường yên tĩnh và thoải mái để giấc ngủ của bé không bị gián đoạn.
- Phân biệt tiếng khóc của bé: Hãy thấu hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu của bé qua tiếng khóc, như khóc đòi bú, khó chịu, buồn ngủ, đòi bế hay khóc vì bệnh lý, để có biện pháp chăm sóc phù hợp và kịp thời.
- Tiêm chủng định kỳ: Đừng quên đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ và tiêm chủng đúng lịch.
Làm thế nào để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ 3 tháng tuổi khoẻ mạnh?
Bài viết này đã giải đáp chi tiết cho chúng ta thắc mắc “Bé 3 tháng tuổi biết làm gì“. Trẻ 3 tháng tuổi đã đạt được tiến bộ đáng kể về thể chất, cảm xúc và giao tiếp. Để giúp bé phát triển toàn diện, việc yêu thương và chăm sóc từ phía phụ huynh là điều cực kỳ quan trọng.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.