Khi bắt đầu bước vào tuần 37 của thai kỳ thì bất cứ chị em nào cũng lo lắng, mong chờ dấu hiệu chuyển dạ. Khi đó, có nhiều thai phụ phân vân “Em bé đạp nhiều có sao không?”. Trong bài viết sau, Pharmacity sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên và chia sẻ cách cảm nhận thai máy hiệu quả để biết bé đang đạp nhiều hay ít nhé!
Thai nhi biết đạp từ khi nào?
Trước khi trả lời cho câu hỏi “Em bé đạp nhiều có sao không?”, hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về thời điểm mà trẻ cử động (hay còn gọi là thai máy). Các bác sĩ sản khoa chia sẻ, khoảng từ tuần thứ 7 – 8 của thai kỳ, khi đó thai nhi đã biết cử động. Tuy nhiên, lúc này bào thai còn quá nhỏ nên chưa thể nhận biết những chuyển động của trẻ.
Vậy, thai nhi 4 tháng tuổi đã biết đạp chưa? Nhiều mẹ bầu nhận thấy từ tuần 15 – 16 thai kỳ, họ đã cảm nhận được những cử động của trẻ. Mặc dù vậy, nhưng không phải thai nhi nào cũng đều sẽ cử động vào tháng thứ 4, đôi khi bé có cử động nhưng rất nhẹ nên mẹ không nhận thấy được hay một số khác thì còn “lười biếng” để vận động trong thời điểm này. Bên cạnh đó, các chị em sẽ cảm nhận những cử động này như nhịp gõ vào thành bụng, như cánh bướm đang đập hay lúng búng trong bụng.
Đặc biệt vào tuần thứ 30 thì thai nhi đạp nhiều có sao không? Cụ thể, từ tuần 30 – 38 của giai đoạn thai kỳ thì thai máy sẽ rõ rệt hơn. Khi đó, mẹ bầu nên quan sát, theo dõi và thực hiện đếm cử động thai nhằm biết được con đang khỏe hay yếu.
Khi bé trong giai đoạn từ tuần 30 – 38 thì mẹ bầu sẽ cảm nhận thai máy rõ rệt hơn
Em bé đạp nhiều có sao không?
“Em bé đạp nhiều có sao không?” hay “Thai nhi đạp nhiều bất thường có ảnh hưởng gì không?” là những câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm. Phần lớn em bé đạp nhiều sẽ tốt hơn em bé ít đạp. Bởi khi còn trong bụng mẹ, bé hoạt động mạnh giúp xương, khớp cùng với các cơ quan phát triển đúng cách. Riêng với thai nhi ít vận động có thể là dấu hiệu thai bị yếu, con không nhận đủ oxy và các dưỡng chất cần thiết.
Để xoa dịu nỗi lo từ mẹ bầu, Pharmacity chia sẻ đến bạn một số trường hợp thai nhi đạp nhiều bất thường để có cách giải quyết phù hợp, chi tiết:
- Bé đạp nhiều sau khi mẹ đã ăn: Đặc biệt khi mẹ bầu ăn đồ ngọt, uống nước lạnh hay sau khi ăn no khiến thai nhi đạp nhiều hơn.
- Khi mẹ ở gần nơi có âm thanh lớn hay ánh sáng mạnh: Đối với thai nhi từ tuần 16 tuổi sẽ cảm nhận rõ âm thanh và ánh sáng. Lúc này, bé có thể đã chuyển động và đạp nhiều hơn.
- Khi mẹ bầu nằm nghiêng về bên trái: Khi đó, lượng oxy cũng như các dưỡng chất khác sẽ đưa đến thai nhi khiến bạn gặp tình trạng thai máy nhiều hơn.
- Bé đạp nhiều vào ban đêm: Vì thời gian ban đêm rất yên tĩnh và bạn cũng đang nghỉ ngơi nên sẽ cảm nhận rõ những cử động của con.
Chính vì vậy, các chị em đừng quá lo lắng khi gặp phải tình trạng thai nhi đạp nhiều bất thường vào những thời điểm cụ thể như tuần thứ 26, 30 hay 35. Bởi đây là lúc cuối tam cá nguyệt thứ 3, nên việc con đạp nhiều có thể do bé lớn lên làm không gian tử cung dần hẹp lại vì thế mà bất kỳ cử động nào của trẻ đều dễ nhận ra.
Em bé đạp nhiều cho thấy các cơ quan của cơ thể đang phát triển đúng hướng
Cách cảm nhận thai máy để biết thai nhi đạp nhiều hay ít
Sau khi đã tìm được lời giải đáp cho thắc mắc “Thai nhi 4 tháng tuổi đã biết đạp chưa?”, nhiều chị em cũng còn phân vân không biết theo dõi thai máy như thế nào. Cụ thể, ngay từ tuần 28 của thai kỳ thì những cử động của trẻ đã xuất hiện nhiều hơn, đây là điều rất bình thường nên các nàng không cần quá lo lắng.
Ngoài ra, khi đi khám thai định kỳ, các bác sĩ sẽ chỉ dẫn mẹ bầu cách đếm cử động thai nhằm theo dõi sức khỏe bé tốt hơn. Những chuyển động này gồm có xoay/vươn người, đá, hay đạp đều được xem là một lần thai máy. Tuy nhiên, cũng có trường hợp thai phụ nhầm lẫn giữa các cử động này với việc bé nấc. Do đó, bạn có thể tham khảo cách đếm cử động thai như sau:
- Sau bữa ăn: Chị em nên đếm cử động thai trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
- Trong thời gian 60 phút: Khi mẹ đếm được trẻ chuyển động từ 4 lần trở lên thì có thể hiểu là con đang phát triển hoàn toàn bình thường.
- Nếu bé đạp ít hơn so với số lần nêu trên: Thay vì bất an, bạn nên uống ít nước, đi dạo nhẹ nhàng trong vài phút và sau đó theo dõi lại thai máy trong 4 giờ nữa.
Trường hợp thai máy ít hơn, bạn có thể:
- Di chuyển cơ thể nằm nghiêng sang bên trái.
- Sử dụng đồ ít ngọt (ngoại trừ trường hợp bạn đang điều trị đái tháo đường) hay thử uống nước lạnh (như nước trái cây ướp lạnh hay sữa ướp lạnh,…). Tiếp theo, đợi thêm vài phút và tiến hành đếm lại thai máy.
- Bật một bản nhạc mà mình yêu thích.
- Trò chuyện với con.
- Dùng đèn pin soi vào một bên bụng mẹ hoặc vỗ nhẹ vào bụng.
Bên cạnh đó, khi mẹ cảm nhận con đạp hơn 10 lần/giờ thì bạn nên yên tâm vì trẻ hoàn toàn bình thường, nhưng nếu con ít đạp hơn số lần trên có thể vì bé đang ngủ mà thôi. Nhưng việc thai nhi đạp nhiều có sao không? Đối với trường hợp trẻ đạp nhiều hơn 20 lần trong thời gian ngắn, ít đạp hơn bình thường hoặc mẹ bầu cảm nhận những chuyển động của con rất yếu ớt thì bạn cần tranh thủ thăm khám ngay.
Trò chuyện với con trước khi kiểm tra thai máy
Nhìn chung, câu hỏi “Em bé đạp nhiều có sao không?” luôn là thắc mắc của rất nhiều chị em, đặc biệt là những nàng lần đầu làm mẹ. Vì vậy, hy vọng với những thông tin mà Pharmacity đã chia sẻ phía trên có thể giúp bạn yên tâm hơn để quá trình sinh nở diễn ra một cách thuận lợi nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.