Theo quy luật của tự nhiên, càng lớn tuổi các hoạt động cơ thể ngày càng suy yếu, người cao tuổi sẽ phải đối diện với gánh nặng bệnh tật, dễ bị nhiều bệnh cùng một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Người cao tuổi khi bị bệnh gan thường khó điều trị hơn ở người trẻ. Cùng tìm hiểu suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi ở bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của việc nhận biết sớm suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi
Gan là bộ phận vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, trong đó có 5 nhiệm vụ chính là chức năng chuyển hóa, chức năng tổng hợp, chức năng thải độc, chức năng dự trữ và chức năng tạo mật.
Suy gan là hiện tượng chức năng gan suy giảm, gan bị hủy hoại, biến dạng và khó phục hồi. Suy gan dẫn đến gan không thể thực hiện các chức năng quan trọng đối với cơ thể.
Bệnh tiến triển theo 4 giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1 – Viêm: Đây là giai đoạn đầu, gan bị viêm và có thể hoạt động yếu hơn bình thường nhưng không biểu hiện bằng triệu chứng rõ rệt, người bệnh chưa cảm thấy khó chịu hay đau đớn.
- Giai đoạn 2 – Xơ hóa: Tình trạng viêm nhiễm không được điều trị sẽ để lại sẹo. Khi mô mô sẹo tích tụ trong gan, quá trình lưu thông máu bị cản trở, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận khác. Ở giai đoạn này, gan vẫn có khả năng được chữa lành nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời.
- Giai đoạn 3 – Xơ gan : Mô sẹo cứng phát triển nhiều hơn, thay thế dần các mô khỏe mạnh. Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu nhận thấy triệu chứng bất thường do hoạt động của gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Giai đoạn 4 – Suy gan giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này, ghép gan là phương pháp duy nhất có thể chữa khỏi bệnh, ngược lại nguy cơ tử vong sẽ rất cao do chức năng gan đã suy giảm đến mức cao nhất. Lúc này, một loạt các vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra đồng thời bao gồm chảy máu trong, tích nước trong bụng, phù não, mất chức năng thận, các vấn đề về phổi
Bệnh suy gan giai đoạn cuối không chỉ gây nguy hiểm đối với người trẻ mà còn rất nguy hiểm khi gặp ở người cao tuổi.
Suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi còn nguy hiểm hơn do cơ thể của người cao tuổi có sức đề kháng kém hơn. Do đó những biến chứng suy gan ở người cao tuổi thường xuất hiện rất sớm, đây là yếu tố góp phần tăng nguy cơ tử vong nếu người bệnh không được điều trị sớm từ giai đoạn sớm.
Ngoài ra, người cao tuổi hầu hết có các bệnh lý kèm theo, khi bị suy gan kết hợp với các bệnh lý phối hợp thì tình trạng bệnh khó kiểm soát và nguy hiểm hơn.
Nói chung nếu bệnh suy gan ở người cao tuổi phát hiện càng muộn thì tình trạng càng trầm trọng. Việc phát hiện sớm rất có ý nghĩa trong điều trị, tiên lượng và giúp hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra. Với người cao tuổi việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những bệnh lý có thể chưa có những biểu hiện dấu hiệu lâm sàng rõ, từ đó lên kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh sớm
Người cao tuổi bị suy gan giai đoạn cuối thì nguy hiểm hơn rất nhiều so người trẻ
Đặc điểm suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi
Triệu chứng của bệnh suy gan không có rõ ràng khi ở giai đoạn đầu. Bạn có thể gặp các biểu hiện như:
- Buồn nôn.
- Chán ăn, mệt mỏi.
- Tiêu chảy.
- Giảm cân.
Khi bệnh suy gan tiến triển nặng hơn sẽ đi kèm các triệu chứng:
Vàng mắt, vàng da: Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh về gan. Nguyên nhân là do khi bị suy gan, chức năng gan suy giảm dẫn tới sự tích tụ bilirubin trong máu và gây nên tình trạng vàng da, vàng mắt.
Bầm da hoặc chảy máu: Suy gan khiến gan không còn thải độc máu tốt và bạn sẽ gặp phải các vấn đề về đông máu bề mặt da. Đây là nguyên nhân gây nên các vết bầm trên da, thậm chí chảy máu.
Chướng bụng, tích tụ dịch trong bụng: Gan nằm dưới sườn phải nên nó có thể khiến bạn bị đau nhói hoặc đau âm ỉ khu vực sườn phải khi bị suy gan.
Chân phù nề và tích tụ dịch.
Khi gặp bất cứ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác nhằm đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.
Vàng mắt, vàng da là triệu chứng điển hình của các bệnh về gan
Biến chứng suy gan
Suy gan là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng với các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Phù não: Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất của suy gan, chất lỏng không chỉ tích tụ ở bụng mà còn có thể tích tụ trong não, gây phù não và huyết áp cao.
- Các vấn đề về đông máu: Gan đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu trong cơ thể, vì vậy khi cơ quan này bị tổn thương, hiện tượng chảy máu không kiểm soát rất dễ xảy ra.
- Nhiễm trùng: Suy gan giai đoạn cuối rất dễ gây ra viêm phổi và nhiễm trùng tiểu.
- Suy thận: Suy gan gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận, có thể dẫn đến suy thận.
Nguyên nhân phổ biến suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi
- Viêm gan virus B và D: Viêm gan B khiến gan sưng lên và không thể hoạt động như bình thường. Khi có viêm virus B có thể gây đồng nhiễm virus viêm gan D.
- Viêm gan C: Viêm gan C về lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan.
- Uống rượu bia trong thời gian dài.
- Hemochromatosis: Đây là rối loạn khiến cơ thể hấp thụ và tích tụ quá nhiều sắt, gây xơ gan.
- Quá liều Acetaminophen gây tổn thương gan.
- Các loại virus bao gồm virus viêm gan A, B, E, virus Epstein-Barr, virus Cytomegalovirus, Herpes simplex làm tổn thương gan hoặc xơ gan.
- Phản ứng với một số loại thuốc kê đơn hoặc thảo dược: Một số thành phần trong thuốc kê đơn hoặc thảo dược có thể làm hỏng hệ thống ống dẫn mật hoặc tiêu diệt các tế bào gan, gây suy gan cấp tính.
- Ăn phải nấm dại chứa độc: Một loại chất độc trong nấm dại có tên là Amanita phalloides có khả năng tổn thương tế bào gan và dẫn đến suy gan chỉ trong trong vòng vài ngày.
- Sốc nhiễm trùng: Sốc nhiễm trùng có thể làm hỏng gan, thậm chí khiến gan ngưng hoạt động.
Cách điều trị và chăm sóc suy gan giai đoạn cuối ở người cao tuổi
Cách điều trị suy gan
Các phương pháp điều trị suy gan bao gồm điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc ghép gan. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như điều kiện sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Điều trị bằng thuốc
Acetylcysteine là thuốc đẩy lùi ngộ độc cho gan, được sử dụng trong trường hợp bệnh xuất phát từ việc dùng quá liều Acetaminophen. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc có tác dụng tương tự với người bị suy gan do nhiễm chất độc khác. Điều trị các thuốc đặc hiệu đối viêm gan virus B, C. Điều trị các nguyên nhân khác gây suy gan.
Phẫu thuật
Với những trường hợp gan bị tổn thương nặng một phần. Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị tổn thương để ngăn chặn lây lan. Gan có khả năng tự hồi phục nên việc cắt bỏ một phần gan sẽ không quá ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ghép gan
Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng, không còn có khả năng hoạt động để duy trì sự sống, ghép gan là phương pháp cuối cùng cần thực hiện. Trong quá trình này, gan bị tổn thương sẽ được loại bỏ và thay thế bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Sau cấy ghép, hầu hết người bệnh đều có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp chăm sóc y tế suốt đời là bắt buộc để đảm bảo cơ quan luôn hoạt động hiệu quả.
Chăm sóc người cao tuổi bị suy gan giai đoạn cuối
- Kê cao chân (cao hơn so với tim) khi bệnh nhân nằm nghỉ để lượng dịch phù được trở về tim, giảm phù chi và giảm khó chịu cho bệnh nhân.
- Chế độ dinh dưỡng hạn chế muối (natri): Chế độ ăn càng mặn thì lượng nước tích tụ lại trong cơ thể bệnh nhân càng nhiều, phù và cổ chướng càng nặng nề hơn, gây khó thở cho bệnh nhân.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như cam , chuối, bưởi… vì trong quá trình điều trị thì bệnh nhân thường được sử dụng các loại lợi tiểu gây mất kali để giảm phù. Do đó, cần bổ sung lượng kali mất do thuốc lợi tiểu gây ra.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất bảo quản.Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, mỗi bữa ăn ăn ít để tránh gan làm việc quá tải.
- Tuyệt đối sử dụng bia, rượu, thuốc lá và các chất kích thích.
- Uống nhiều nước lọc để thải độc cho gan (khoảng 2 lít nước/ngày)
- Tránh lạm dụng thuốc tây, sử dụng thuốc theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Cần có lối sống lành mạnh, ngăn ngừa các nguồn lây nhiễm bệnh gan và duy trì thói quen thể dục hàng ngày. Áp dụng quy tắc “Ba nửa giờ”: dành ra “nửa giờ thứ nhất” tập thể dục buổi sáng, “nửa giờ thứ 2” nằm nghỉ sau bữa trưa và “nửa giờ thứ 3” vận động nhẹ nhàng buổi tối trước khi đi ngủ.
- Ngủ sớm và ngủ đúng giờ: Nên tập thói quen ngủ sớm và ngủ đúng giờ. Tốt nhất hãy đi ngủ trước 23 giờ bởi ngủ sớm giúp máu trong cơ thể có đủ thời gian trở về gan và giải độc cho gan.
- Người thân nên ở bên cạnh an ủi và động viên tinh thần cho người bệnh.
Ngoài ra, cần theo dõi, thăm khám định kỳ, hoặc khi phát hiện có bất kỳ triệu chứng nào bất thường phải đến gặp ngay bác sĩ để được tư vấn, thăm khám điều trị. Đặc biệt là người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo pháp đồ điều trị của bác sĩ, không sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định, đặc biệt là những loại thuốc có hại cho gan.
Người cao tuổi bị suy gan giai đoạn cuối cần có sự theo dõi và thăm khám thường xuyên từ bác sĩ
Kết luận
Chăm sóc người bệnh suy gan giai đoạn cuối, đặc biệt là người cao tuổi, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ gia đình và đội ngũ y tế. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm bắt được những thông tin cần thiết để chăm sóc người thân một cách hiệu quả nhất. Hãy chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, và luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc động viên tinh thần và tạo ra môi trường sống tích cực cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, an vui, và hy vọng rằng những thông tin chia sẻ trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong hành trình chăm sóc người bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.