Thiếu canxi là một tình trạng thường gặp và có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe cơ thể. Dưới đây là những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa thiếu canxi, mà chúng tôi giới thiệu đến bạn.
Tổng quan chung
Canxi là 1 trong những khoáng chất quan trọng đối với cơ thể con người. Không chỉ là thành phần chính cấu tạo nên xương răng, giúp xương răng chắc khỏe, canxi còn tham gia vào nhiều hoạt động chức năng khác như quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, đông máu, miễn dịch…
Khi nồng độ canxi trong máu giảm, canxi được huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi máu. Cơ thể thiếu hụt canxi kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về răng, loãng xương, chậm phát triển chiều cao, khiến xương trở nên giòn, dễ gãy…
Triệu chứng
Thiếu canxi trong khẩu phần và hấp thu canxi kém ban đầu có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi tình trạng trầm trọng hơn, canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa, gây triệu chứng thiếu canxi như đau nhức các xương đặc biệt các xương dài ở trẻ đang tuổi phát triển. Ngoài ra, bệnh này có thể gây tình trạng mất ngủ, tính tình nóng nảy. Các biểu hiện thiếu canxi có thể kể đến như:
- Khó nuốt
- Chuột rút
- Choáng váng
- Dễ cáu gắt, bồn chồn
- Huyết áp thấp
- Đau quặn ruột
- Đau cột sống hoặc đau hông
- Gãy xương nén
- Giảm chiều cao
- Co thắt phổi
- Móng và tóc dễ gãy
Nguyên nhân
Cơ thể bị thiếu canxi thường do hai nhóm nguyên nhân: Suy dinh dưỡng (khẩu phần ăn hằng ngày không đủ canxi, thiếu vitamin D) hoặc thiếu do rối loạn chuyển hóa canxi (bởi rối loạn nội tiết tố, lão hóa, do lối sống thiếu vận động) – trong trường hợp này, khẩu phần ăn tuy đủ canxi nhưng cơ thể cũng không hấp thu được.
Đối tượng nguy cơ
- Đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai
- Suy dinh dưỡng thiếu protein năng lượng, còi xương
- Trẻ được ăn dặm sớm. Chế độ ăn nghèo nàn dinh dưỡng như canxi, đạm đặc biệt ở phụ nữ mang thai và nuôi con bú, phụ nữ tiền mãn kinh, người cao tuổi.
- Hấp thu kém, bao gồm bệnh viêm ruột và bệnh celiac, cắt bỏ dạ dày
- Phụ nữ có thai và cho con bú
- Phụ nữ sau mãn kinh
- Người cao tuổi
- Bệnh lý: Suy tuyến cận giáp, giả suy cận giáp, thiếu hụt và phụ thuộc vitamin D, bệnh thận mạn, xơ gan, Osteoblastic di căn, tiêu cơ vân, tăng phosphat huyết,
- Thuốc: Liệu pháp bisphosphonate tiêm tĩnh mạch hoặc liệu pháp denosumab, truyền nhanh một lượng lớn máu chứa citrate
Chẩn đoán
Như chúng ta đã biết hơn 99% canxi trong cơ thể con người nằm trong xương và răng, chính vì vậy định lượng nồng độ canxi trong máu không phải là lựa chọn tối ưu để chẩn đoán thiếu hụt canxi.
Nghi ngờ bệnh nhân có thiếu canxi máu ở người lớn và trẻ em phải đánh giá cẩn thận các biểu hiện lâm sàng và triệu chứng, các bất thường trong phòng thí nghiệm, tiền sử bệnh trong quá khứ các loại thuốc gần đây. Xét nghiệm quan trọng trong phòng thí nghiệm ban đầu liên quan đến việc đo nồng độ phốt phát trong huyết thanh, magie, còn nguyên vẹn hormone tuyến cận giáp (PTH), mức 25-hydroxyvitamin D và 1,25-dihydroxyvitamin D, hormon cận giáp PTH.
Khi canxi máu giảm thường biểu hiện tình trạng thiếu canxi trong một thời gian dài. Khi nồng độ calci máu dưới 2,20 mmol/L, nồng độ canxi ion trong máu dưới 1,17 mmol/L được gọi là hạ canxi máu, với điều kiện là nồng độ protein huyết tương bình thường.
Đo mật độ xương, đánh giá loãng xương cần ở bệnh nhân thiếu canxi lâu dài.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh thiếu canxi có thể dễ dàng phòng ngừa bằng cách:
- Bổ sung canxi trong chế độ ăn uống: Ưu tiên các thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa: sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành, phô mai; hải sản như tôm, cua, cá; các loại rau nhiều canxi như cải xoăn, súp lơ, cải bó xôi hay các loại hạt,…
- Bổ sung vitamin D và magie: Vitamin D giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi ở ruột. Magie hỗ trợ tiến trình sản xuất hóc môn tuyến cận giáp PTH, giúp điều hòa lượng canxi trong máu.
- Điều trị các bệnh lý liên quan: Các bệnh lý thận, tuyến cận giáp,… cần được quản lý và điều trị triệt để để tránh giảm canxi máu.
- Tránh lạm dụng thuốc gây hạ canxi máu hoặc các thực phẩm có thành phần gây hạ canxi máu như oxalat, phytate, cafein,…
- Bổ sung canxi dưới dạng thực phẩm chức năng, thuốc.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, tắm nắng buổi sáng, hạn chế rượu bia và thuốc lá,…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện sớm các vấn đề thiếu hụt canxi.
Điều trị như thế nào?
Quyết định điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng biểu hiện, mức độ nghiêm trọng và nhanh chóng của chứng hạ calci huyết cũng như nguyên nhân thiếu canxi.
Trường hợp hạ canxi máu, có triệu chứng lâm sàng, đe dọa tính mạng, bổ sung canxi là rất cần thiết. Đường tiêm, truyền được ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu là nâng cao nồng độ canxi ion hóa trong huyết thanh về mức bình thường thấp (~ 1,0 mM), duy trì ở đó và kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhân.
Trong tình trạng hạ calci máu kéo dài, không có triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ, cân bằng nội môi canxi có thể được phục hồi bằng canxi uống và vitamin D hoặc chất chuyển hóa vitamin D hoạt hóa như calcitriol.
Canxi cacbonat đường uống thường là muối được sử dụng phổ biến nhất, mặc dù tồn tại nhiều loại muối canxi khác nhau. Liều lượng canxi đường uống nên có hàm lượng từ 1 đến 3 gam canxi nguyên tố chia làm 3 đến 4 lần trong bữa ăn để đảm bảo sự hấp thu tối ưu. Lượng canxi nguyên tố thấp hơn có trong các loại canxi khác như canxi lactat (13%), canxi citrat (21%) và canxi gluconat (9%).
Đối với bệnh nhân suy tuyến cận giáp, vitamin D2 hoặc D3 (ergocalciferol hoặc cholecalciferol, tương ứng) hoặc các chất chuyển hóa vitamin D [calcitriol hoặc 1,25- (OH) 2 vitamin D hoặc 1 alpha-OH vitamin D là cần thiết.
Việc sử dụng hoặc ngừng sử dụng estrogen ngoại sinh cũng có thể ảnh hưởng đến liệu pháp thay thế canxi và vitamin D. Estrogen làm tăng hấp thu canxi ở cấp độ ruột và gián tiếp thông qua kích thích hoạt động của 1-alpha-hydroxylase ở thận. Có thể cần điều chỉnh liều sau khi thay đổi liệu pháp estrogen do thay đổi cân bằng nội môi canxi.
Chế độ ăn giàu canxi hàng ngày nên được chú trọng thông qua một số loại thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, cá, sò, trứng, sữa, các loại rau màu xanh đậm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.