Xơ gan là một trong những căn bệnh mạn tính nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng với tỷ lệ tử vong rất cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có những thông tin bổ ích về căn bệnh này.
Bệnh xơ gan
Xơ gan là gì?
Xơ gan là một bệnh mạn tính của gan được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan.
Các nguyên nhân thường gây ra xơ gan bao gồm:
- Uống và nghiện rượu
- Viêm gan siêu vi B và C
- Gan nhiễm mỡ.
Thách thức bệnh nhân sẽ gặp khi mắc bệnh xơ gan
Xơ gan có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như:
- Xuất huyết tiêu hóa: Các chất xơ trong gan cản trở dòng máu di chuyển qua gan khiến áp lực tại tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch tại các hệ nối cửa – chủ tăng lên. Đồng thời gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày. Các tĩnh mạch này bị giãn đến một giới hạn nhất định sẽ bị vỡ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh sẽ nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, việc mất nhiều máu khiến bệnh nhân bị choáng váng, người lao đao, thiếu máu cấp tính. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Phù chân, báng bụng: Việc tăng áp lực cửa và giảm đạm máu gây nên tình trạng phù chân và tích tụ dịch ở bụng, gọi là báng bụng. Báng bụng quá lâu, dịch tích tụ nhiều có thể bị nhiễm trùng dịch báng. Người bệnh sẽ bị sốt, đau bụng dữ dội, đi cầu ra phân lỏng. Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Hôn mê gan, bệnh não gan: Xơ gan khiến chức năng hoạt động của gan bị ảnh hưởng, gan không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, đặc biệt là xơ gan nặng. Người bị xơ gan nặng còn có các độc tố có hại ở ruột như khí amoniac (NH3)… các khí này không được đẩy ra ngoài nên đi vào trong máu, theo máu lên não và tích tụ tại đây gây ra bệnh não – gan. Triệu chứng của bệnh não – gan là rối loạn tri giác, người bệnh bị lẫn lộn, không minh mẫn rồi hôn mê gan và có thể tử vong rất nhanh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh não – gan là xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, mất nước, táo bón…
- Suy thận: Người bị suy thận do biến chứng xơ gan sẽ đi tiểu ít dần và lâu ngày không thể đi tiểu được nữa. Đây gọi là hội chứng gan – thận. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn tới tử vong.
- Tình trạng nhiễm trùng: Gan không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, do đó người bị xơ gan rất dễ bị nhiễm trùng như: nhiễm trùng dịch báng, nhiễm trùng máu, viêm phổi…
- Ung thư gan: Người bị xơ gan có nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Ung thư gan giai đoạn đầu không có biểu hiện cụ thể. Nhiều người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng. Ở giai đoạn nặng hơn, khối u trong gan sẽ gây đau tức vùng dưới sườn phải, người bệnh bị sụt cân nhanh chóng, người mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ.
Các giai đoạn tiến triển của xơ gan
Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người mắc bệnh xơ gan
Tuổi thọ của người bệnh xơ gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của xơ gan, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị, độ tuổi của người bệnh và các vấn đề sức khỏe khác hiện có. Để biết được thông tin cụ thể, người bệnh nên hỏi trực tiếp bác sĩ của mình.Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, giàu dinh dưỡng nhưng phải theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Hạn chế sử dụng muối, chất béo, thực phẩm chứa chất bảo quản
- Bổ sung chất xơ, vitamin bằng các loại thực phẩm như trái cay, rau xanh…
- Vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Không làm việc nặng nhọc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn
- Thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám thường xuyên, đúng hẹn hoặc ngay khi có những biểu hiện bất thường.
Các phương pháp điều trị dành cho người mắc bệnh xơ gan
Xơ gan là một bệnh lý nguy hiểm, gây ra khá nhiều biến chứng trên cơ thể người bệnh. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng.
Trên thực tế, có rất nhiều người thắc mắc rằng bệnh xơ gan có chữa được không. Về vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa đã thẳng thắn chia sẻ, bệnh chỉ có thể chữa khỏi khi đang ở giai đoạn nhẹ, tức xơ gan còn bù. Trong trường hợp xơ gan mất bù thì việc điều trị dứt điểm là rất khó khăn, trừ khi người bệnh tìm được lá gan tương thích để ghép. Các biện pháp điều trị xơ gan theo từng mức độ có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể:
Điều trị xơ gan còn bù
Ở giai đoạn xơ gan còn bù, người bệnh mới chỉ mới bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên với mức độ nhẹ. Bệnh trong thời kỳ này sẽ diễn ra ổn định và kéo dài trong nhiều năm, tuy nhiên lại thường tiến triển nặng dần theo từng đợt. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời từ giai đoạn xơ gan còn bù, sức khỏe người bệnh có thể bình phục, thậm chí là khỏi bệnh hoàn toàn.
Việc điều trị xơ gan còn bù chủ yếu là việc loại bỏ các nguyên nhân nhân gây bệnh như virus, thói quen uống bia rượu hay gan bị nhiễm độc…Bên cạnh đó, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh kiêng hoàn toàn các chất kích thích, ăn uống khoa học dinh dưỡng. Thông thường, mỗi ngày bệnh nhân xơ gan chỉ nên ăn không quá 1g Protein/1kg cân nặng và hạn chế tối đa lượng muối dung nạp vào cơ thể.
Thuốc điều trị xơ gan trong giai đoạn còn bù thường bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc lactulose: Ngăn ngừa và điều trị táo bón, từ đó phòng ngừa biến chứng não trên bệnh nhân xơ gan.
- Thuốc propranolol: Ngừa xuất huyết tiêu hóa.
- Thuốc Colchicine.: Có tác dụng chống xơ hóa gan.
- Thuốc nhóm Corticoid: thường dùng để điều trị viêm gan tự miễn.
Điều trị xơ gan mất bù
Xơ gan mất bù chính là lúc gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, chức năng gan gần như bị biến mất. Các mô xơ hóa tích tụ nhiều và dần thay thế hoàn toàn các tế bào gan khỏe mạnh. Ở giai đoạn này, gan không thể hoạt động một cách bình thường nên sức khỏe của người bệnh cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
Người bị xơ gan giai đoạn cuối không thể chữa khỏi triệt để bệnh. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đồng thời hạn chế biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị xơ gan mất bù thường được áp dụng gồm:
- Thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong: Là phương pháp điều trị xơ gan giai đoạn nặng cực kỳ hiệu quả thông qua việc giảm áp lực tĩnh mạch cửa, nhờ đó mà máu được tăng cường lưu thông đến gan. Ngoài ra, nhiều bằng chứng còn cho thấy phản ứng viêm đã thuyên giảm đáng kể khi người bệnh đặt ống thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong. Các đối tượng thường được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật này là người bệnh xơ gan có biến chứng xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày đồng thời tình trạng này tái phát ít nhất ba lần trong 12 tháng qua hoặc có hiện tượng báng bụng kháng trị.
- Sử dụng thuốc ức chế thụ thể beta không chọn lọc: Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa đồng thời cũng là là cơ sở chính cho điều trị dự phòng tiên phát và thứ phát của xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch. Hiệu quả của thuốc ức chế thụ thể beta chủ yếu đạt được bằng cách chặn các thụ thể β1-adrenergic, từ đó làm giảm dòng chảy động mạch tạng bằng cách giảm cung lượng tim.
- Dùng thuốc kháng sinh: Những kháng sinh không hấp thu hoặc hấp thu kém sẽ được áp dụng để điều trị xơ gan. Bởi chúng có thể làm thay đổi môi trường vi sinh đường ruột đồng thời cùng ít gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Thuốc kháng sinh đã được dùng nhiều thập kỷ qua trong dự phòng tiên phát và thứ phát cho người mắc xơ gan mất bù có nhiễm khuẩn.
- Điều trị xơ gan mất bù dựa trên những cơ chế hạ lưu: Gồm kích hoạt tế bào miễn dịch, giải phóng cytokine tiền viêm và tổn thương oxy hóa. Statin và albumin là hai thuốc quan trọng trong cơ chế hạ lưu cực kỳ phức tạp đang xen nhau.
- Miễn dịch học và y học tái tạo: Một cách tiếp cận khá mới để điều trị xơ gan mất bù là việc kích hoạt tế bào gốc tủy xương hoặc là ghép tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ tủy xương. Nguyên nhân là do những tế bào này có tác dụng điều hòa miễn dịch, tái tạo gan hiệu quả.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh xơ gan. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.