Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến. Đây là tình trạng dịch tiêu hoá của dạ dày thường xuyên bị chảy ngược vào thực quản (là một ống dẫn đưa thức ăn từ miệng vào dạ dày). Vì dịch này có tính axit nên có thể gây kích ứng và làm viêm niêm mạc thực quản. Rất nhiều người thắc mắc rằng Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị GERD không? Dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc GERD không?
Trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra ở bất cứ ai, không kể giới tính hay khu vực sinh sống. Tuy nhiên, ở bà bầu tình trạng này lại trầm trọng hơn cả. Theo các chuyên gia, trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm mà mẹ bầu dễ bị trào ngược dạ dày nhất. Nguyên nhân gây nên tình trạng này ở mẹ bầu bao gồm:
- Sự thay đổi nồng độ hormone progesterone trong cơ thể bà bầu: Khi mang thai hormone trong cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi. Khi nồng độ hormone progesterone này vượt quá giới hạn cho phép không thể ngăn axit ở dạ dày gây nên hiện tượng trào ngược.
- Tăng đột ngột nồng độ hormone relaxin trong cơ thể bà bầu: Nồng độ hormone relaxin tăng đột ngột cũng có thể là lý do dẫn tới hiện tượng bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi nồng độ hormone này tăng sẽ làm cản trở quá trình tiêu hóa của dạ dày gây nên hiện tượng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi.
- Sự phát triển của thai nhi: Quá trình thai nhi phát triển cũng làm tăng áp lực lên dạ dày gây nên trào ngược.
Phụ nữ mang thai dễ bị GERD
Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai
Bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản thường gặp không ít những biểu hiện khó chịu dưới đây:
- Ợ chua, ợ nóng: khi bị trào ngược, nồng độ axit trong dạ dày mẹ thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Điều này làm mẹ dễ bị đầy bụng hoặc đầy hơi, dẫn đến ợ chua, ợ nóng. Bên cạnh đó, rất nhiều mẹ bầu cho biết họ còn hay thấy cổ họng nóng rát sau khi ợ hoặc buồn nôn thường xuyên.
- Thường xuyên buồn nôn, ói mửa do thức ăn cùng axit ở dạ dày trào ngược lên
- Đau tức ngực và nóng rát vùng thượng vị làm mẹ thấy khó thở và giảm sút sức khỏe
- Khàn tiếng, ho nhiều do dịch vị dạ dày trào ngược lên gây viêm thanh quản hoặc ngứa rát vùng họng.
- Niêm mạc thực quản bị sưng tấy, đỏ, khó nuốt thức ăn.
3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm dễ bị trào ngược
Cách chữa trị trào ngược dạ dày – thực quản trong thai kỳ
Điều trị bằng thay đổi lối sống
Phương pháp chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai bằng thay đổi lối sống luôn được ưu tiên sử dụng để làm giảm triệu chứng khó chịu của bệnh, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu, tác động đến sự phát triển của thai nhi. Thay đổi lối sống theo các bước sau:
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không ăn quá no.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Tránh ăn các đồ chiên, cay nóng, giàu chất béo, trái cây chứa nhiều vitamin C, thuốc lá, rượu bia… hoặc bất cứ thực phẩm nào có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, tăng nguy cơ ợ nóng.
- Uống ít nước trong khi ăn, nên uống nước vào giữa các bữa ăn.
- Giữ tư thế đứng ít nhất 3 tiếng sau ăn.
- Đi bộ giúp mẹ bầu vận động và có thể tiêu hóa tốt hơn.
- Chỉ nằm sau khi ăn được hơn 2 giờ, nằm cao đầu hoặc đặt gối dưới vai để ngăn chặn acid dạ dày trào ngược. Ngoài ra, nằm nghiêng sang bên trái cũng giúp thực quản cao hơn dạ dày, giúp hạn chế được chứng trào ngược.
- Mặc quần áo rộng, thoải mái vì quần áo bó sát có thể làm tăng áp lực lên dạ dày.
- Duy trì cân nặng phù hợp trong thai kỳ.
- Nên ăn sữa chua hoặc uống một ly sữa để giảm triệu chứng trào ngược tức thì, ngoài ra uống một ít mật ong pha với trà hoa cúc cũng có hiệu quả tương tự.
- Ăn nhiều rau giúp tránh táo bón.
Phụ nữ mang thai cần bổ sung đa dạng các loại rau quả
Các phương pháp điều trị khác
Nếu trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai có triệu chứng nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho phép sử dụng các thuốc điều trị giảm triệu chứng trào ngược. Các thuốc này có thể giúp sản phụ hạn chế tình trạng trào ngược, tuy nhiên cần đảm bảo không gây tác dụng phụ tới thai nhi hoặc có thể kiểm soát.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày thực quản không được tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng thuốc dân gian theo lời mách bảo. Sử dụng thuốc điều trị trong giai đoạn mang thai cần hết sức cẩn trọng vì có thể gây nguy hiểm đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Ngoài ra, cũng có một số lựa chọn khác cho chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai như châm cứu, tập yoga hay phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh. Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị nào, sản phụ cũng cần nên trao đổi với bác sĩ khám bệnh để có tư vấn phù hợp.
Như vậy, trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai dù không quá nguy hiểm song gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản, sản phụ nên sớm đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.