Thuốc được dùng trong khi mang thai thường qua nhau và tác dụng lên thai. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cho người phụ nữ mang thai phải được thầy thuốc cân nhắc đánh giá ảnh hưởng của thuốc đối với thai như: nguy cơ dị tật, nhiễm độc ở thai nhi để người thầy thuốc đưa ra những tư vấn cần thiết cho cả hai vợ chồng.
Việc điều trị những sản phụ có bệnh lý cần để ý đến yếu tố thai nhi nhằm hạn chế tác dụng phụ của thuốc lên sự phát triển của thai.
Thuốc bổ – thuốc khỏe
Với thuốc vitamin A, thai kỳ dùng liều trên 10.000 UI/ngày sẽ dẫn đến sẩy thai, dị dạng hệ thần kinh, dị dạng hệ tim mạch, sứt môi, lạc chỗ tuyến ức. Vitamin D, nếu dùng liều cao sẽ dẫn đến hẹp van động mạch chủ, bệnh thận, trẻ chậm phát triển. Riêng với vitamin C, nếu dùng liều cao, bệnh scorbut tăng nhu cầu vitamin C ở trẻ sơ sinh. Coramin chống chỉ định khi mang thai.
Tác dụng của thuốc lên thai
Trứng thụ tinh trong 2 tuần đầu, một số thuốc có thể gây chết phôi thai. Ba tháng đầu thai kỳ, giai đoạn hình thành cơ quan nội tạng, một số thuốc có thể gây dị tật. Ba tháng giữa và ba tháng cuối, một số thuốc tác dụng gây nhiễm độc thai nguy cơ sảy thai dọa sinh non, thai bị thiếu oxy, suy thai cấp. Cùng một loại thuốc nhưng cho những tác dụng khác nhau vào các giai đoạn khác nhau của thai kỳ.
Ví dụ: codein dùng điều trị ho có tác dụng phụ: 3 tháng đầu gây thoát vị bẹn, dễ trật khớp háng, cấu tạo bất thường bộ máy tim mạch, hô hấp; 3 tháng giữa bất thường bộ máy tiêu hóa; 3 tháng cuối, sử dụng trong lúc chuyển dạ: gây hội chứng lệ thuộc thuốc.
Tác dụng của từng loại thuốc lên sự phát triển của thai
Rượu, thuốc lá, ma túy
Nghiên cứu cho thấy, uống hơn 80g Alcohol/tuần, 6 ly rượu vang trên/ngày có nguy cơ cho thai là bé giảm cân, bất thường vùng mặt và thần kinh.
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến thai mức độ tùy theo số lượng hút. 50% mẹ hút thuốc có con có cân nặng ít hơn 2.500g, mẹ bị băng huyết, huyết tụ sau nhau, ối vỡ sớm, thai chết trong tử cung.
Sử dụng heroin, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa sinh non, tiền sản giật, hội chứng phụ thuộc thuốc của thai nhi lúc sinh (ngưng thuốc đột ngột sau sinh thai có thể chết). Lúc sinh em bé phải được bác sĩ dưỡng nhi chăm sóc.
Thuốc kháng sinh
Sulfamides đối kháng với acid folic gây dị tật ở loài vật, một số nghiên cứu cho thấy thuốc có tác dụng phụ: còn ống động mạch, dị dạng các chi, tắt nghẽn niệu quản, thiểu sản tuyến thượng thận, sứt môi, thiếu máu trong trường hợp thiếu G6PD.
Nhóm aminoglycosides gây độc cho thần kinh thính giác và độc cho thận.
Thuốc lợi tiểu chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ vì gây giảm khối lượng tuần hoàn và gây dị tật ở thai.
Kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiểu, 2 tuần cuối thai kỳ không sử dụng vì dễ gây tán huyết ở trẻ thiếu men G6PD.
Nhóm hạ sốt, giảm đau, liều điều trị có thể gây ra ngộ độc thai nếu uống thuốc đều đều mẹ sẽ thiếu máu, thai quá ngày, chuyển dạ kéo dài. Riêng với con, thời gian máu chảy kéo dài, chậm phát triển trong tử cung.
Thuốc ngừa bệnh sởi, quai bị, đậu mùa không chích trong thai kỳ, sốt vàng có thể chích khi đi du lịch nhưng tránh trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ…
Tất cả những thuốc điều trị không nên sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chỉ trường hợp bệnh lý đe dọa tính mạng của mẹ mà thuốc điều trị bệnh có ảnh hưởng đến thai hoặc phải điều trị xạ trị thì thầy thuốc cần tham khảo với những nhà chuyên môn trước khi quyết định điều trị.
BS. TRƯƠNG QUỐC VIỆT