Viêm tuyến nước bọt là loại bệnh lý thường gặp, có thể gây thành dịch và biến chứng nhiều cơ quan trong cơ thể. Việc phát hiện bệnh và chẩn đoán, điều trị sớm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về viêm tuyến nước bọt qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi tuyến nước bọt hoặc ống nước bọt bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến việc giảm tiết nước bọt do tắc nghẽn hoặc viêm ống nước bọt, gọi chung là viêm tuyến nước bọt.
Hiện nay, có 3 loại bệnh viêm tuyến nước bọt phổ biến thường gặp nhất ở người bệnh đó là:
- Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai: Chỉ tình trạng tuyến nước bọt nằm ở phía trước tai trên cả hai bên má bị nhiễm trùng. Đây cũng là tuyến nước bọt quan trọng nhất của cơ thể.
- Viêm tuyến nước bọt dưới hàm: Có hai dạng là viêm tuyến nước bọt dưới hàm phải và viêm tuyến nước bọt dưới hàm trái. Đây là chỉ tình trạng các tuyến nước bọt nằm ở vùng dưới hàm bị nhiễm trùng. Đây là nhóm tuyến nước bọt lớn thứ hai trong hệ thống tuyến nước bọt.
- Bệnh viêm tuyến nước bọt dưới lưỡi: Chỉ tình trạng các tuyến nước bọt ở vị trí dưới của miệng và nằm ở hai bên lưỡi bị nhiễm trùng. Đây là tuyến nhỏ nhất trong hệ thống tuyến nước bọt.
Triệu chứng
Dấu hiệu viêm tuyến nước bọt thường thấy bao gồm:
- Tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm hai bên: Viêm sưng các tuyến này có thể gây biến dạng mặt như mặt phình to, cổ bạnh và cằm xệ.
- Da vùng tuyến mang tai: Có thể căng cứng, bóng nhưng thường không đỏ, sờ nóng đau; nếu viêm tuyến nước bọt do virus thì khi ấn vào không thấy lõm; nếu viêm do vi khuẩn thì đỏ da và ấn vào có thể lõm
- Nước bọt: Giảm, ít và quánh.
- Lỗ ống tuyến: Nếu viêm do vi khuẩn, lỗ ống tuyến sẽ thấy viêm đỏ hoặc/và có mủ chảy ra khi vuốt dọc ống tuyến.
- Góc hàm: Sưng to do tuyến nước bọt mang tai/dưới hàm hoặc do hạch to.
- Biểu hiện viêm tuyến nước bọt khác: Đau họng, há miệng hoặc bị đau hàm; khi nuốt đau lan ra tai; sốt ớn lạnh kèm đau đầu; mệt mỏi; hôi miệng. Trường hợp nếu nhiễm trùng tuyến nước bọt do khối u sẽ cảm thấy u cục, cứng khu vực bị viêm.
Người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi tình trạng viêm bắt đầu gây khó khăn cho việc ăn uống, nuốt hoặc thở gây đau nhiều, các triệu chứng không thuyên giảm mặc dù đã ngậm nước muối, vệ sinh răng miệng và điều trị tại nhà.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh, trong đó chủ yếu là:
- Virus: Đây là nguyên nhân gây ra bệnh quai bị, do 1 loại virus thuộc nhóm Paramyxovirus có tên Mumps virus, 1 loại bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiến triển thành dịch thường gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bệnh có thể gây ra các tổn thương ngoài tuyến nước bọt: Viêm não, viêm tụy, viêm tinh hoàn và buồng trứng.
- Vi khuẩn: Thường gặp là loại Staphylococcus và Streptococcus. Lây truyền theo đường tiếp xúc trực tiếp sau các bệnh lý nhiễm trùng răng miệng: bệnh lý viêm tai xương chũm, và viêm khớp thái dương-hàm…, bệnh chỉ gây tổn thương tại chỗ và không thành dịch.
- Nguyên nhân dị ứng sau sử dụng 1 số loại thuốc: thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, các thuốc hóa trị liệu….
- Ngoài ra còn các nguyên nhân: nhiễm độc, nhiễm nấm, lao, các bệnh lý hệ thống…
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh viêm tuyến nước bọt kể cả trẻ sơ sinh, nhưng người già và người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ bị nhiễm trùng tuyến nước bọt cao nhất, cụ thể:
- Người già có độ tuổi từ 65 trở lên
- Người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp hoặc các bệnh mạn tính khác
- Tình trạng suy dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do hệ thống miễn dịch bị suy giảm
- Những người uống rượu lâu năm, nghiện rượu có thể bị hỏng tuyến nước bọt, kích ứng miệng và lưỡi.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ dựa theo các triệu chứng như: sưng đau, cơn đau dữ dội khi nói hoặc ăn… để chẩn đoán bệnh viêm tuyến nước bọt. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ thực hiện làm xét nghiệm lâm sàng như sau:
- Kiểm tra nước bọt hoặc lấy mẫu mô bằng cách sinh thiết các tuyến nước bọt để xem có vi khuẩn bên trong không.
- Làm siêu âm tuyến nước bọt để kiểm tra tình trạng phù nề hoặc kèm theo tình trạng nhiễm trùng tuyến.
- Chụp CT Scan, cộng hưởng từ MRI với mục đích kiểm tra tình trạng tuyến nước bọt bị nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh
Bạn có thể phòng ngừa viêm tuyến nước bọt bằng cách:
- Giữ gìn vệ sinh khoang miệng đúng cách, chải răng theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa.
- Tập luyện thể thao và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hằng ngày để tăng cường sức khỏe.
- Có thể nhai kẹo để kích thích nước bọt.
- Nói không với các chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu.
- Hạn chế tiếp xúc với các nguồn bức xạ từ công ty điện tử, nhà máy, xí nghiệp.
- Người trị xạ ở vùng cổ và mặt cần uống nhiều nước hơn bình thường, theo dõi sức khỏe của tụi nước bọt.
- Có thể tăng sức đề kháng bằng các loại thực phẩm chức năng.
- Uống đủ 2 lít nước/ngày với người lớn, người tập luyện thể thao hoặc làm việc nặng cần uống nhiều hơn.
Điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh viêm tuyến nước bọt có thể dùng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau. Nếu điều trị không kịp thời, sau 7-10 ngày bệnh giảm các triệu chứng và chuyển sang viêm mạn tính tái phát, sau một vài tháng một lần viêm lại. Ở bệnh nhân viêm tuyến tái phát nhiều lần, vùng tuyến mang tai hai bên phì đại và không nhỏ lại được, vì thế làm biến dạng khuôn mặt.
Để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả, bạn nên tới bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh. Căn cứ vào mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về viêm tuyến nước bọt . Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.