Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến, chiếm khoảng 10% các loại ung thư nói chung và 60-70% trong số các loại ung thư đường tiêu hóa. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận một số lượng lớn bệnh nhân ung thư dạ dày mới được chẩn đoán, đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vậy, ung thư dạ dày thường di căn đến những đâu?
Ung thư dạ dày giai đoạn di căn là gì?
Ung thư dạ dày được chia theo 4 giai đoạn dựa vào kích thước và mức độ lan, di căn của khối u. Trong đó, ung thư dạ dày di căn là ở giai đoạn cuối. Đây là thời điểm bệnh lý nặng nhất, khối u đã di căn tới nhiều cơ quan trong cơ thể như não, phổi, gan, xương….
Ung thư dạ dày thường di căn đến đâu? Cơ chế di căn của bệnh theo nhiều đường để tới các cơ quan gan, phổi…, chẳng hạn:
- Theo đường bạch huyết: Tế bào ung thư theo dòng bạch huyết tới lớp thành mạc hoặc tới cơ quan hạch bạch huyết gây tổn thương, di căn.
- Theo đường máu: Tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu nhỏ, tĩnh mạch qua bạch mạch và lan tới cơ quan khác ở trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày ở giai đoạn di căn
Khác với giai đoạn đầu vẫn còn mơ hồ, triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày di căn trở nên rõ rệt hơn, xuất hiện nhiều hơn. Sẽ tùy vào từng loại ung thư di căn tới đâu… mà dấu hiệu khác nhau.
Dấu hiệu của ung thư dạ dày di căn tới gan
- Mệt mỏi.
- Đau, khó chịu ở bụng.
- Chán ăn, nôn, giảm cân.
- Bụng căng lên bất thường.
- Phù chân, thường xuyên bị ngứa da.
- Mắt và da vàng.
Dấu hiệu của ung thư dạ dày di căn tới phổi:
- Khó thở.
- Ho liên tục, dai dẳng.
- Tràn dịch màng phổi.
- Viêm phổi.
Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày di căn tới màng bụng
- Táo bón.
- Khó tiêu hóa thức ăn.
- Chán ăn.
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày giai đoạn cuối di căn tới buồng trứng
- Đau thắt vùng bụng, lưng, xương chậu.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Kinh nguyệt bị rối loạn.
- Táo bón, tiêu chảy, chướng bụng…
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày di căn
Mục tiêu của việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn di căn chủ yếu tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng và kiểm soát sự phát triển của ung thư nhằm mang đến chất lượng sống tốt nhất có thể cho bệnh nhân. Dựa trên độ tuổi, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, tình trạng bệnh lý ung thư, nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình, bác sĩ có thể chỉ định hoặc tư vấn để bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn di căn bao gồm:
Phẫu thuật triệu chứng
Ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn di căn có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa hoặc tắc nghẽn đường ra của dạ dày, bác sĩ có thể sẽ cắt dạ dày hoặc nối dạ dày với ruột non tùy thuộc khối u nguyên phát và điều kiện phẫu thuật cho phép.
Trong phẫu thuật này, một phần ruột non được gắn vào phần trên của dạ dày, bỏ qua các khối u và cho phép thức ăn chảy ra khỏi dạ dày.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt thêm ống sonde từ dạ dày hoặc ruột non ra da để bệnh nhân được cung cấp dinh dưỡng qua ống này. Đây là phương pháp mở dạ dày hoặc hỗng tràng ra da để nuôi ăn.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân bằng cách sử dụng các hóa chất để giúp thu nhỏ khối u ác tính, giảm các triệu chứng do ung thư gây ra và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Có thể thực hiện hóa trị đơn chất với 1 thuốc, hoặc lựa chọn phối hợp các thuốc như 5-FluoroUracil (5-FU) kết hợp với Cisplatin (CDDP) (phác đồ FP), phác đồ ECX, phác đồ EOF, phác đồ EOX,…
Bệnh nhân dung nạp được với thuốc hóa trị sẽ có lợi ích về thời gian sống so với chỉ chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần.
Xạ trị
Liệu pháp xạ trị sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng để tiêu diệt hoặc phá hủy các tế bào ung thư. Ở ung thư dạ dày giai đoạn di căn, xạ trị có thể kiểm soát triệu chứng trong bệnh lý di căn xương, di căn não.
Thuốc điều trị nhắm trúng đích
Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Hai loại thuốc nhắm trúng đích thường sử dụng là kháng thể đơn dòng và các thuốc phân tử nhỏ.
Bệnh nhân thích hợp nhận được liệu pháp này có hiệu quả cải thiện thời gian sống còn cao hơn so với hóa trị đơn thuần.
Liệu pháp miễn dịch
Đây là biện pháp điều trị sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch (được tạo nên từ các tế bào bạch cầu và các cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết) chống lại ung thư.
Pembrolizumab (Keytruda) là một loại thuốc trị liệu miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày đã tái phát hoặc di căn ở những trường hợp không đáp ứng hoặc tiến triển với hai hoặc nhiều phác đồ hóa trị liệu.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của các liệu pháp thử nghiệm chưa được FDA chấp thuận thành phác đồ điều trị. Những thử nghiệm này có thể đưa ra những phương pháp điều trị mới mang tính đột phá, có thể giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống và tỷ lệ sống còn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.